Mới đây, một cảnh sát khu vực ở TP Cần Thơ và một công an viên ở tỉnh Bến Tre đã bị tấn công bằng dao khi đang thi hành công vụ. Hậu quả là công an viên bị thương nặng, sau đó tử vong; còn cảnh sát khu vực thì bị thương tích vùng cổ.
Các luật sư cho rằng cần nghiêm trị hành vi này để bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, bảo vệ hoạt động đúng đắn của người thực thi công vụ và cao hơn là bảo vệ hoạt động của Nhà nước về quản lý xã hội...
Nguyễn Văn Đông tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an tỉnh Bến Tre
Gặp nạn khi đang làm nhiệm vụ
Ngày 18-9, Đại úy Nguyễn Công Tín, cảnh sát khu vực 5, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, trong lúc thuyết phục Quách Thái (42 tuổi, ngụ phường Tân An) khi Thái say rượu và gây rối trật tự đã bị Thái tấn công vào vùng cổ.
Lúc này, bảo vệ dân phố đi cùng đã dùng gậy cao su đánh rớt con dao của Thái. Thái tiếp tục lấy cây đánh vào đầu bảo vệ dân phố gây thương tích nhẹ.
Ngay sau đó lực lượng công an đã khống chế, bắt giữ Thái. Hiện Thái đang bị Công an quận Ninh Kiều tạm giữ hình sự để điều tra về tội chống người thi hành công vụ.
Trước đó, tối 17-9, ông Nguyễn Văn Trường, công an viên xã An Đức, huyện Ba Tri, Bến Tre, biết tin Nguyễn Văn Đông (37 tuổi, ngụ xã An Đức) đang cầm theo dao đến nhà dân để gây chuyện. Do vụ việc xảy ra gần nhà nên ông Trường lập tức đến hiện trường, đồng thời gọi điện thoại báo cáo, xin ý kiến trưởng công an xã.
Trưởng công an xã đã phân công ông Trường đến nhà dân nắm tình hình ban đầu, đồng thời huy động lực lượng hỗ trợ. Tuy nhiên, khi lực lượng công an xã đến thì ông Trường đã bị Đông chém gây thương tích nặng ở chân trái. Sau đó, ông Trường chết tại bệnh viện ngày 18-9.
Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bến Tre đang củng cố hồ sơ để khởi tố bị can đối với Đông.
Cố ý gây thương tích
Nhận định về những hành vi tấn công lực lượng đang làm nhiệm vụ nêu trên, luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa và luật sư Nguyễn Văn Nhàn, cùng Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Hai chiến sĩ công an đều đang thực hiện nhiệm vụ của mình là giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương, tức đang thi hành công vụ.
Hành vi của Đông, Thái là dùng vũ lực tấn công những người đang thi hành công vụ để cản trở họ thực hiện công vụ của mình. Hành vi dùng vũ lực này xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người thi hành công vụ, gây thương tích cho họ, thậm chí chết người như vụ công an viên bị tấn công ở Bến Tre.
Theo Điều 330 BLHS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội chống người thi hành công vụ, người nào dùng vũ lực, đe dọa hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ... thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này. Tức hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chỉ nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ chứ không vì mục đích xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người thi hành công vụ.
Do vậy, hành vi của Thái với mục đích xâm phạm sức khỏe của người đang thi hành công vụ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm k khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc về tội cố ý gây thương tích với tình tiết định tội “đối với người thi hành công vụ” nếu thương tích của cảnh sát khu vực dưới 11%. Tùy theo kết quả giám định về tỉ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân mà người phạm tội phải chịu mức hình phạt tương ứng.
Có thể xem xét tội giết người
Riêng về hành vi Nguyễn Văn Đông cầm dao chém vào chân công an viên khiến ông này tử vong sau đó tại bệnh viện, luật sư Bùi Viết Nông, Đoàn Luật sư TP.HCM, chia thành hai trường hợp.
Trường hợp 1: Hành vi của Đông có dấu hiệu tội giết người nếu kết quả điều tra và kết luận giám định xác định được Đông thực hiện hành vi nhằm mục đích tước đoạt tính mạng của công an viên với mức độ tấn công nhanh và liên tục, cường độ tấn công mạnh có thể gây chết người, vị trí tác động trên cơ thể là vị trí trọng yếu như vùng đầu, ngực, bụng…
Về yếu tố lỗi, hành vi của Đông có dấu hiệu của tội giết người nếu Đông nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của hành vi, thấy trước hậu quả chết người và mong muốn hậu quả chết người xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả chết người xảy ra.
Trường hợp 2: Hành vi của Đông có dấu hiệu tội cố ý gây thương tích (với hậu quả làm chết người theo điểm a khoản 4 Điều 134 BLHS) nếu kết quả điều tra và kết luận giám định xác định được Đông thực hiện hành vi nhằm mục đích gây tổn hại đến thân thể nạn nhân. Việc nạn nhân chết nằm ngoài ý thức chủ quan của Đông. Đông tấn công nạn nhân không dồn dập, cường độ tấn công nhẹ. Vị trí tác động trên cơ thể thường là những vị trí không gây nguy hiểm chết người như vùng vai, tay, chân...
Đông có lỗi vô ý đối với hậu quả chết người, nghĩa là Đông thấy trước hành vi của mình có thể gây chết người nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, có thể ngăn ngừa được hoặc Đông không thấy trước hành vi của mình có thể gây chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Việc công an viên chết phải có nguyên nhân từ những thương tích do hành vi của Đông gây ra.
Cần bảo vệ hoạt động đúng đắn của người thi hành công vụ
Cả hành vi chống người thi hành công vụ và hành vi cố ý gây thương tích đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân đều xâm phạm đến người thi hành công vụ và thực hiện với lỗi cố ý.
Tuy nhiên, nếu chống người thi hành công vụ mà chưa gây ra thương tích cho nạn nhân thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ.
Nếu kết quả giám định cho thấy thương tích của cảnh sát khu vực dưới 11% thì theo điểm k khoản 1 Điều 134 BLHS, có thể xử lý Thái về tội cố ý gây thương tích với tình tiết phạm tội đối với người đang thi hành công vụ, chứ không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ.
Tuy nhiên, trường hợp này có thể dẫn đến việc bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố và vụ án phải được đình chỉ. Lúc này hoạt động đúng đắn của người thi hành công vụ và cao hơn là hoạt động của Nhà nước về quản lý xã hội không được bảo vệ. Do đó, theo tôi, cần có sự thay đổi quy định theo hướng: Xử lý người cố ý gây thương tích (dưới 11%) cho người đang thi hành công vụ theo khoản 2 Điều 134 BLHS.