Những ngày này, nông dân trồng dưa hấu ở Tây Nguyên đứng ngồi không yên trên những ruộng dưa chín rộ. Nhiều hộ dân chưa kịp ăn mừng khi dưa hấu được mùa nay lại phải “khóc ròng” vì tái diễn cảnh được mùa, mất giá, hàng ngàn tấn dưa hấu đến kỳ thu hoạch song vẫn chưa tiêu thụ được.
Rớt giá thê thảm
Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có hơn 1.400 ha dưa hấu, trong đó, huyện Krông Pa hơn 1.000 ha, huyện Ia Pa 350 ha, thị xã Ayun Pa 60 ha, số diện tích dưa hấu này chủ yếu được người từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên lên thuê đất trồng.
Thời điểm này, người trồng dưa hấu đã bắt đầu vào vụ thu hoạch song lại đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong vấn đề tiêu thụ khi thị trường trong và ngoài nước đều bị “đóng băng” thời gian dài.
Giá dưa hấu giảm mạnh khiến nông dân lao đao. (Ảnh: Hiền Mai)
Từ huyện Mang Yang (Gia Lai) lên xã Phú Cần (huyện Krông Pa) thuê 1,5 ha đất để trồng dưa hấu, anh Huỳnh Ngọc Hồng đang như ngồi trên đống lửa vì viễn cảnh vụ dưa năm nay lời ít lỗ nhiều.
Anh Hồng cho biết, ngay khi Trung Quốc mở cửa khẩu nhập nông sản trở lại, cùng với nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong dịp Tết, giá dưa hấu tăng lên mức 8.000 đồng/kg. Thương lái ồ ạt thu mua, nhiều chủ dưa bán khoán cả diện tích với giá 35-38 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, những ngày gần đây, giá dưa giảm sâu chỉ còn từ 1.500 đồng tới 2.000 đồng/kg khiến người dân không khỏi lo lắng. Chưa kể, một số diện tích thương lái đã đặt cọc trước đó thì giờ quay lại cò kè bớt giá thấp hơn giá cũ gấp nhiều lần.
“Để có lời, dưa phải có giá từ 4.000 đồng/kg trở lên. Gia đình tôi đang rất lo lắng chưa biết làm cách nào. Nếu bán rẻ với giá đang thu mua ở các đại lý nhỏ như bây giờ thì ước tính chỉ thu được khoảng 60 triệu đồng/ha. Lúc đó gia đình lỗ hàng chục triệu đồng/ha, chẳng biết lấy gì để bù lỗ cả”, anh Hồng rầu rĩ.
Cùng chung cảnh ngộ, từ đầu tháng 11/2021, ông Nguyễn Tấn Lực khăn gói từ huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) lên xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa) thuê đất trồng dưa. Sau hơn 3 tháng miệt mài chăm sóc, đổ hết vốn liếng vào vụ này, đây cũng là thời điểm mà ông mong đợi nhất song giá thương lái thu mua hiện tại không đủ để ông bù vào số vốn đã bỏ ra.
Ngồi bên ruộng dưa, ánh mắt nhìn xa xăm, ông Lực than thở: “Giá phân bón năm nay tăng, bình quân mỗi ha dưa tôi đầu tư hết 170 triệu đồng. Trồng dưa vất vả nhất là lúc ghim dây, chọn quả. Trung bình mỗi gốc dưa để 3 dây nhưng chỉ chọn lấy 2 quả để đảm bảo quả phát triển tốt. Với 2 ha dưa hấu của gia đình, dự kiến năng suất đạt 45-50 tấn/ha. Giá dưa giảm so với những ngày đầu năm nên tôi rất lo lắng. Mặc dù đã gọi điện trước cho bạn hàng quen biết nhưng họ đều tỏ ra không mấy mặn mà. Hy vọng dưa bán được giá để có chút lời, ít nhất là lấy lại vốn để sản xuất tiếp vụ sau”.
Diện tích dưa hấu năm 2022 của tỉnh Đắk Lắk là 524ha, tập trung ở các huyện như Ea Súp 230ha, Buôn Đôn 135ha, Krông Ana 50ha. Nửa tháng nay, người trồng dưa hấu tại các địa phương này cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi giá thu mua thấp cùng sức mua giảm sút khiến người trồng dưa lao đao.
Ông Huỳnh Công Danh vượt hàng trăm cây số từ huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) lên xã Ea Bông (huyện Krông Ana) thuê đất trồng dưa đã 8 năm nay. Hơn 3 tháng nay, kể từ ngày trồng, mặc cho trời nóng như đổ lửa hay những ngày mưa tầm tã, vợ chồng ông đều ăn ở nơi góc ruộng. 12 năm trồng dưa, gần 5 năm gắn bó với mảnh đất Krông Ana, được có, mất có song theo ông Danh, chưa năm nào giá dưa rớt thê thảm như năm nay.
“Vụ dưa này tôi trồng 3 ha, năng suất đạt 2–2,5 tấn/sào, quả to đều, ruột đỏ tươi. Từ đầu vụ, giá dưa được thương lái trả 10.000 đồng/kg, ai ai cũng mừng vui vậy mà, giá dưa giờ chỉ được cao nhất 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên chúng tôi vẫn đành phải chấp nhận hạ giá để bán cho hết, tính sơ sơ cũng lỗ khoảng 150 triệu đồng”, ông Danh ngán ngẩm.
Không chỉ nông dân mà các thương lái buôn dưa cũng trong tình trạng thất thu nặng, nhiều thương lái tỏ ra không mấy mặn mà với vụ dưa này.
Đang cho công nhân thu gom dưa, bà Nguyễn Thị Lợi, thương lái ở miền Trung liên tục gọi điện thoại đi khắp nơi thăm dò thị trường và tìm mối “đẩy” hàng đi. Bà Lợi cho biết, buôn bán dưa 23 năm song có lẽ đây là vụ dưa “đắng” nhất mà bà trải qua.
“Chúng tôi cũng như người dân đều chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thị trường. Trước Tết, Trung Quốc đột ngột đóng cửa khẩu khiến nông sản ùn ứ, thối rữa. Khi cửa khẩu thông thương trở lại thì giá dưa tăng vọt. Tuy nhiên sau đó, Trung Quốc giới hạn số lượng nhập nông sản khiến giá dưa chững lại và giảm nhanh. Hiện nhiều chủ dưa đến thời điểm thu hoạch gọi điện nhưng tôi không dám mạo hiểm, bởi số cũ phải xuất đi hết mới dám mua vào”, bà Lợi nói và cho biết số dưa đã thu mua của dân bà phải chấp nhận bán rẻ ở Hải Dương và các tỉnh phía Bắc.
Trước tình hình giá dưa giảm mạnh, ông Võ Ngọc Châu, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa cho hay, để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân, huyện đã lập danh sách, địa chỉ, số điện thoại của từng chủ dưa, lưu ý bà con khi có dấu hiệu bất ổn về giá cả thì cần báo ngay với chính quyền địa phương, Phòng Nông nghiệp và PTNT để hỗ trợ tiêu thụ.
Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và PTNN tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Sở Công thương và các doanh nghiệp, doanh nhân tại địa phương vào cuộc giúp người dân tiêu thụ dưa hấu. Đồng thời báo cáo UBND tỉnh về tình hình tiêu thụ và lưu thông hàng hóa nông sản sang Trung Quốc để có hướng chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động ứng phó, hạn chế ảnh hưởng và chủ động phương án xử lý, bảo quản nông sản.
Theo HIỀN MAI/ VTC.VN
Link: https://vtc.vn/dua-hau-rot-gia-the-tham-nong-dan-tay-nguyen-moi-mat-cho-thuong-lai-ar664590.html